Về một vụ "Loạn Luân" ở thế kỷ 18

Về một vụ "Loạn Luân" ở thế kỷ 18

Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát là người có công xây dựng Đô thành Phú Xuân vào giữa thế kỷ XVIII, đồng thời cũng là người gây nhân đưa dần sự nghiệp của các chúa Nguyễn xuống vực thẳm. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm họa đó là vụ loạn luân giữa Nguyễn Phúc Khoát với một bà công nữ.

Sử chép: Võ Vương có một người cậu ruột là ngoại tử Trương Phúc Loan. Được Võ Vương tin cậy, trao cho rất nhiều quyền binh, nhưng Loan vẫn chưa vừa lòng. Vốn là một tay gian hùng, tham lam, tàn nhẫn và thủ đoạn, Loan có thể làm bất cứ điều gian ác nào để có thêm quyền hành và của cải.

Hành vi thâm độc nhất của Loan là đẩy đứa cháu mình đang ở ngôi vương (Võ Vương) vào vòng loạn luân.
Cô em con chú của Võ Vương là công nữ Ngọc Cầu (ái nữ của Nguyễn Phúc Điền) có nhan sắc kiều diễm trang đài của một giáng tiên. Biết Vương là người hiếu sắc, Loan tìm cách tạo điều kiện cho Ngọc Cầu thường xuyên ra vào trong Vương phủ và gần gũi Vương

Một bên là trai đa tình, nịnh sắc, một bên là gái ngọc đã yêu kiều, thanh tân, lại bay bướm phơi phới xuân tình như hang tối khao khát ánh dương thì cái thể lửa gần rơm chẳng mấy lúc sẽ cháy bùng ngọn lửa yêu đương và thiêu rụi cả luân thường đạo lý. Suốt ngày thâu đêm trong cung Trường Lạ canh em qua hương trà, men rượu, khóe mắt, nụ cười mải mê hoan lạc không còn biết trời trăng. Kết quả của những lần lăn lóc ái ân vụng trộm, bà Ngọc Cầu đã mang thai với ông anh đồng đường và sinh ra một công tử. Loạn luân! Đối với bá tánh thì tội phải ném đá, hành hạ nhưng tại Vương phủ này thì lại được xem như chuyện bình thường! Và Công nữ Ngọc Cầu nghiễm nhiên trở thành một cung phi được sủng ái bậc nhất trong phạm vi tả hữu hành lang. Anh em của Ngọc Cầu đều được Vương trọng dụng ban quyền cao, lộc hậu: Nguyễn Phúc Viêm (anh bà) làm Chưởng thủy cơ, Nguyễn Phúc Nghiêm (em Viêm) giữ chức Nội hữu, Chưởng dinh quản Bộ Lại, Bộ Binh, lãnh Tả phủ Chưởng phủ sự dinh Quảng Nam. Hai anh em Viêm - Nghiêm là hạng người tầm thường. Viêm lười biếng, chỉ biết rượu chč, Nghiêm xa hoa, hiếu sắc, hậu phòng có tới trăm người, quanh năm chỉ biết rượu và gái đẹp.


Công tử con của Võ Vương với Ngọc Cầu đặt tên là Nguyễn Phúc Thuần. Mặc dù được cậu che chở, nhưng Võ Vương không thoát khỏi mặc cảm loạn luân, vì vậy Vương đã cho nuôi nấng Thuần một cách lén lút ở hậu cung và dĩ nhiên Thuần không được lập làm kế tử như mong muốn của Ngọc Cầu.


Nguyễn Phúc Thuần không được lập làm kế tử vì kết quả của một cuộc hoan lạc bất chính, hơn nữa, theo quy định Vương phủ việc lập kế tử đã được chọn lựa và đã quyết định rồi.


Theo nguyên tắc công tử Chương (con cả Võ Vương) là kế tử. Chẳng may, Chương thọ bệnh đã thất lộc, con của Chương còn quá nhỏ nên Võ Vương chọn người thứ hai là Nguyễn Phúc Luân (tức là hoàng khảo của vua Gia Long sau này) làm kế tử.


Để Luân có thể kế nghiệp chúa một cách vẻ vang, Võ Vương đã mời hai vị có tài năng và đức độ đến dạy dỗ. Đó là Nội hữu Cai cơ Trương Văn Hạnh (được phong làm Thái phó) và Thị giảng Lê Cao Kỷ. Việc mời hai ông Trương và Lê lo vấn đề giáo huấn cho kế tử được các triều thần đứng đắn vui mừng thì lại làm cho Ngoại tả Trương Phúc Loan lo ngại.


Hai vị huấn đạo Trương - Lê càng cố công trong đào tạo Nguyễn Phúc Luân bao nhiêu thì càng làm trở ngại cho việcphò ấu chúa trong tay bà Ngọc Cầu của Trương Phúc Loan bấy nhiêu. Do đó, trong tâm trí đen tối của Loan nẩy ra ý đồ hãm hại những bậc trung thần này.


Ngày Võ Vương mất, Nguyễn Phúc Thuần mới mười hai tuổi. Lúc đó ai cũng tưởng là đệ nhị công tử Nguyễn Phúc Luân, đương kim kế tử sẽ lên kế ngôi vương, không ngờ trong nội cung đang có âm mưu khác.

Ngoại tả Trương Phúc Loan cùng thái giám Chữ Đức và Chưởng dính Nguyễn Cửu Thống mật bàn việc giành ngôi cho công tử thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần (còn có tên là Hân). Vì lẽ Thuần có giữ được ngôi chân chủ thì Loan mới thực hiện được ý muốn của mình. Từ tham vọng quyền uy, một kế hoạch đen tối được tiến hành


Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh được mời vào Di Nhiên đường bàn việc cơ mật đã bị giết ngay trong ấy. Thị giảng Lê Cao Kỳ bị một thích khách đâm chết ngay bên án thư nhà mình. Thái Giám Chữ Đức thân hành đem quan lính lên Dương Xuân bắt kế tử Nguyễn Phúc Luân tống ngục Tất cả thân thích của ba người trên đều bị lùng bắt và tống ngục. Chỉ còn ông giáo Hiển là bạn tâm phúc của Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh chạy thoát được (sau này ông là người cộng sự đắc lực của Nguyễn Huệ).

Từ một cuộc loạn luân dẫn đến một hành động soán đoạt chuyên quyền giẫm lên xác của ba nhân vật quan trọng của quốc gia. Tội ác đẫm máu ấy đã bắt đầu trang sử về sự sụp đổ của triều đại các chúa Nguyễn ở xứ Đàng trong.


(Viết theo Mộng Kinh sư và Gia phả triều Nguyễn)